Ba kích - Giới nào cũng quý
Yếu sinh lý ngày một tăng trở thành vấn đề nan giải trong đời sống gia đình và người ta có xu hướng tìm đến các bài thuốc chữa bệnh từ thiên nhiên, trong đó ba kích.
Ba kích còn có tên ba kích thiên, dây ruột gà, liên châu ba kích,… Bộ phận dùng là rễ phơi hay sấy khô của cây Ba kích thiên (Morinda officinalis How., họ Cà phê (Rubiaceae). Khi sử dụng, ủ mềm, rút bỏ lõi, thái mỏng, phơi khô hoặc tẩm rượu sao qua.
Ba kích có nhiều ở một số tỉnh trung du và núi thấp phía bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Tây…),…
Về thành phần hoạt chất, ba kích có antraglucosid, các iridoid glucosid, các sterol, lacton, một số chất vô cơ; ngoài ra có đường, nhựa, acid hữu cơ, tinh dầu. Hoạt chất ba kích có tác dụng tăng lực, chống độc, chống viêm và làm hạ huyết áp.
Theo Đông y, ba kích vị cay ngọt, tính ôn; vào kinh can thận. Tác dụng bổ thận tráng dương, cường cân tráng cốt, khu phong trừ thấp. Dùng tốt cho nam giới liệt dương di tinh, người đau bụng do hư hàn lãnh thống, đau lưng mỏi gối, tiểu tiện không kìm lần (di niệu bất cấm), phong hàn thấp tý . Liều dùng: 12 - 20g. Sau đây là một số bài thuốc có ba kích được dùng trên lâm sàng.
Ôn thận tráng dương: Dùng trong trường hợp thận hư, liệt dương, nam giới xuất tinh sớm, phụ nữ dương hư không có thai.
Ba kích tác dụng ôn thận tráng dương, dùng cho người thận hư liệt dương, nam giới xuất tinh sớm, phụ nữ dương hư không có thai. |
Bài 1 - Hoàn Ba kích thiên: Ba kích 16g, ngũ vị tử 6g, đảng sâm12g,t địa 12g, nhục thung dung 12g, long cốt 12g, cốt toái bổ 12g. Tất cả nghiền thành bột mịn, luyện với mật ong làm hoàn. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 12g, chiêu với nước. Trị thận hư, đau lưng, hoạt tinh.
Bài 2: ba kích 12g, đảng sâm 12g, phúc bồn tử 12g, thỏ ty tử 12g, sơn dược 24g, thần khúc 12g. Tất cả tán bột, luyện với mật ong làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g, chiêu với nước. Trị nam giới liệt dương, xuất tinh sớm, nữ giới dương hư không có thai.
Bài 3: Ba kích 15g, thục địa 15g, sơn thù 12g, kim anh 12g. Sắc uống. Trị thận hư, di tinh, nam giới liệt dương.
Tráng cốt khởi uỷ (khoẻ xương hết mềm nhũn): Dùng cho người gân cốt mềm yếu, lưng và đầu gối đau buốt.
Bài 1 - Hoàn kim cương: ba kích 50g, tỳ giải 50g, nhục thung dung 50g, đỗ trọng 50g, thỏ ty tử 50g, lộc thai 1 bộ. Tất cả tán bột, luyện với mật làm hoàn. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 8g, chiêu với nước đun sôi.
Bài 2 - Rượu ba kích ngưu tất: ba kích 30g, ngưu tất sống 30g. Hai vị thuốc ngâm với 500ml rượu trắng trong 7 ngày là đươc, bỏ bã. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30 - 60ml, uống với nước nóng. Không được uống say. Dùng tốt cho nam giới liệt dương; đau lưng mỏi gối, chân yếu run chân.
Bài 3 - Rượu dương hoắc huyết đằng ba kích: dâm dương hoắc 40 - 60g, kê huyết đằng 40 - 60g, ba kích 40 - 60g, đường phèn 30g. Các vị thuốc ngâm với 750ml rượu trắng trong 7 ngày. Mỗi lần dùng 20 - 30ml, ngày 2 lần. Bài này rất tốt cho người bị thận hư, phong thấp (biểu hiện đau nhức xương khớp, đau lưng mỏi gối).
Bài thuốc kiêng bỏ rượu: ba kích 15g, đại hoàng (chế với rượu) 30g. Ba kích thái lát, sao với gạo nếp cho đến khi gạo cháy đen, bỏ gạo cháy, lấy ba kích tán thành bột mịn, trộn với bột mịn đại hoàng (hoặc tán cả hai thứ cùng lúc). Mỗi lần lấy 3g bột uống với nước đường hoặc mật ong. Ngày dùng 1 lần. Dùng bài này rất tốt cho người muốn kiêng, bỏ rượu.
Kiêng kỵ: Người âm hư hoả vượng, đại tiện táo kết đều không được dùng.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ba-kich-gioi-nao-cung-quy-n195111.html
Mời bạn bình luận cho bài viết " Ba kích - Giới nào cũng quý "