Bài mới nhất

Menu

Bối cảnh nghề cá Việt Nam và nỗ lực chống khai thác bất hợp pháp (IUU)

Nghề cá Việt nam đã có bước phát triển vượt bậc từ năm 1997 nhờ các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển khai thác hải sản xa bờ. Năng lực khai thác tăng liên tục trong hơn 20 năm qua, từ 71.500 tàu cá với công suất trung bình 30,9CV/tàu năm 1997 lên 110.950 tàu với công suất bình quân 90,1 CV/tàu năm 2016. Sản lượng khai thác tăng dần từ 1,08 triệu tấn năm 1997 lên 2,931 năm 2016, nhưng năng suất khai thác giảm dần từ 0,51 tấn/CV năm 1997 còn khoảng 0.29 tấn/CV năm 2016. Hơn nữa, trữ lượng nguồn lợi hải sản ở các vùng biển có xu thế giảm dần. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Hải sản giai đoạn 2011 - 2015 trữ lượng nguồn lợi hải sản ước đạt 4,36 triệu tấn, giảm khoảng 14% so với giai đoạn 2001 - 2005. Trong đó: nhóm cá nổi nhỏ giảm 3,2%; nhóm cá nổi lớn giảm 10,2%, và nhóm hải sản tầng đáy giảm 41,7%. Như vậy, nguồn lợi hải sản đang có xu thế suy giảm, tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững.

Bối cảnh nghề cá Việt Nam và nỗ lực chống khai thác bất hợp pháp (IUU)

Tình trạng cạnh tranh, tranh chấp ngư trường khai thác giữa các nhóm nghề (lưới kéo với các nghề vây, mành, nghề cố định...) và giữa tàu cá Việt Nam và tàu nước ngoài, đặc biệt ở một số ngư trường trọng điểm như Hoàng Sa, vùng biển Vịnh Bắc Bộ (thường xuyên xảy ra hiện tượng tàu cá Trung Quốc đánh bắt, xâm nhập sâu vào vùng biển Việt Nam, cách đảo Cồn Cỏ từ 5-7 Hải lý). Cùng với đó, tình hình an ninh trên Biển Đông diễn biến rất phức tạp, các nước trong khu vực tăng cường tuần tra trên biển, bắt giữ, xử lý tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép; nhiều tàu cá và ngư dân của Việt Nam bị bắt giữ. Điều này, tiểm ẩn nguy cơ xung đột, mất an toàn, an ninh trên biển và an sinh xã hội. Hơn nữa, hiên tượng tàu cá Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển của nước khác (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippine, Đài Loan, Cambodia và các nước, quốc đảo Thái Bình Dương như Australia, PaLau, Micronesia, Papau New Guinea….) ngày càng tăng. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, quan hệ ngoại giao của Việt Nam trong các diễn đàn đa phương cũng như song phương với các nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề phòng chống khai thác IUU, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá theo hướng phát nghề cá có trách nhiệm và phòng chống khai thác IUU. Hoạt động khai thác IUU ở Việt Nam được hiểu bao gồm các hành vi: i) Khai thác bất hợp pháp là Hoạt động khai thác hải sản trong vùng biển của Việt Nam; vùng biển của quốc gia khác mà không được phép; vi phạm những điều bị cấm; hoặc được phép nhưng trái với quy định, nghĩa vụ khu vực và quốc tế mà Việt Nam đã kí kết hoặc tham gia; ii) Khai thác không báo cáo là Hoạt động khai thác hải sản không báo cáo hoặc báo cáo sai cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về chế độ báo cáo; và iii) Khai thác không theo qui định là Hoạt động khai thác hải sản theo cách thức không đúng với các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Trong đó, chú trọng việc đánh giá nguồn lợi hải sản, xác định khả năng cho phép khai thác để quy hoạch cường lực khai thác; loại bỏ các hành vi khai thác hủy diệt và ngăn chặn tàu cá đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển của nước khác. Chính phủ đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách để tăng cường năng lực thực thi pháp luật thủy sản ở các cấp như: tăng cường quản lý cảng cá, bến cá (Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ); thành lập lực lượng kiểm ngư Việt Nam (Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29/11/2012 của Chính phủ); ban hành Kế hoạch hành động quốc gia ngăn chặn, giảm thiểm và loại bỏ khai thác IUU (Quyết định số 930/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát riển nông thôn); thành lập Tổ công tác ngăn chặn tàu cá Việt nam đi khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài (Chỉ thị số 689/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ); thực hiện cơ chế xác nhận sản phẩm khai thác (Thông tư số 50/2015/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát riển nông thôn); thiết lập hệ thống giám sát tàu cá trên biển; đàm phán thiết lập đường dây nóng để xử lý kịp thời các tình huống khai thác bất hợp pháp trên biển và đàm phán đưa tàu đi khai thác hợp pháp ở các nước trong khu vực,…Tuy nhiên, thể chế quản lý nghề cá hiện có còn nhiều bất cập; hệ thống thực thi pháp luật có hiệu quả chưa cao. 

Cơ quan thẩm quyền nghề cá của EU (DG-MARE) đã kiến nghị Việt Nam cần phải có hành động để hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát để phát triển nghề cá bền vững và kiểm soát hiệu quả khai thác IUU. Đợt kiểm tra tháng 5/2017, DG-MARE tiếp tục đề nghị Việt Nam cần thực hiện 03 nhóm nội dung chính: i) sửa đổi Luật Thủy sản, ii) vận hành hiệu quả hệ thống VMS theo tiêu chuẩn EU, và iii) điều chỉnh lại cơ chế chứng nhận xuất xứ thủy sản khai thác trước tháng 9/2017.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực trong thực hiện các khuyến nghị của EC nhằm cải thiện tình hình khai thác IUU. Tuy nhiên, vào ngày 23/10/2017, EC có thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Đồng thời, EC đưa ra 09 khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 06 tháng (từ 23/10/2017 đến 23/4/2018), cụ thể: (i) Sửa đổi khung pháp lý để đảm bảo tuân thủ các quy tắc quốc tế và khu vực áp dụng cho việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản; (ii) Đảm bảo thực hiện và thực thi có hiệu quả của pháp luật quốc gia sửa đổi; (3) Tăng cường việc thực hiện có hiệu quả các quy tắc quốc tế và các biện pháp quản lý thông qua một chế độ xử phạt đầy đủ được thực thi và  theo dõi; (iv) Khắc phục những thiếu sót đã được xác định trong thanh tra, kiểm soát và giám sát (MCS) liên quan đến các yêu cầu đặt ra của các quy định quốc tế và khu vực cũng như trong khuôn khổ hệ thống chứng nhận khai thác; (v) Tăng cường quản lý và cải tiến hệ thống đăng ký và cấp phép khai thác; (vi) Cân bằng năng lực khai thác và chính sách đội tàu cá; (vii) Tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và thực hiện tất cả các bước cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế, để ngăn chặn các sản phẩm thủy sản đánh bắt bất hợp pháp được buôn bán và nhập khẩu vào lãnh thổ; (viii) Tăng cường và cải tiến hợp tác với các quốc gia khác (đặc biệt là các quốc gia ven biển trong vùng biển mà tàu thuyền treo cờ Việt Nam có thể hoạt động) phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế; (ix) Đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và lưu giữ trong RFMOs (Các tổ chức quản lý nghề cá khu vực).

Ngay sau khi EC tuyên bố áp dụng “Thẻ vàng”, Việt Nam đã và đang tập trung triển khai quyết liệt các hành động thực hiện các khuyến nghị, quy định của EC về khai thác IUU, đồng thời tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách trong việc giải quyết vấn đề thẻ vàng, cụ thể: Sửa đổi Luật Thủy sản theo hướng đáp ứng khuyến nghị của EC và dựa trên các nguyên tắc của Công ước Luật biển 1982, Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO, Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp quốc, Bộ luật nghề cá có trách nhiệm của FAO, Kế hoạch hành động quốc tế của FAO về khai thác IUU, Hướng dẫn của FAO về thực hiện trách nhiệm quốc gia treo cờ và đã được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 21/11/2017 và đã được công bố vào ngày 15/12/2017.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp khắc phục như: Ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 về việc triển khai các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 và một số giải pháp cụ thể khác.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Quyết định số 4840/QĐ-BNN-TCTS ngày 23/11/2017 phê duyệt kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác IUU.

Để sớm thoát ra khỏi thẻ vàng của EC, trong thời gian tới việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp và tổ chức thực thi một cách hiệu quả cần được triển khai đồng bộ, đặc biệt là việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát hành trình của tàu cá trên biển, vận hành cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng tích hợp các thông tin về tàu cá, giấy phép khai thác, nhật ký khai thác và sản lượng lên bến để quản lý nghề cá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác truyền thông về khai thác IUU.
                                                                                                                                  [Nguồn: Tổng hợp]

Chia sẻ:

Tan Pham

Một lão ngư say biển cả và đam mê công nghệ nữa!

Mời bạn bình luận cho bài viết " Bối cảnh nghề cá Việt Nam và nỗ lực chống khai thác bất hợp pháp (IUU) "