Bài mới nhất

Menu

Luật Thủy sản 2017

Ngày 05/12/2017 Chủ tịch Nước đã ký Lệnh số 16/2017/L-CTN về việc công bố Luật Thủy sản đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 21/11/2017. Luật Thủy sản năm 2017 gồm 9 chương và 105 điều, được xây dựng trên tinh thần kế thừa những nội dung, quy định đã khẳng định tính phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn trong Luật Thủy sản 2003. Các nội dung sửa đổi, bổ sung đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn, sự phát triển của ngành thủy sản, đồng thời phân định rõ chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực thủy sản và phân cấp triệt để cho địa phương trong việc cấp phép, chứng nhận đối với các hoạt động về thủy sản.
Luật Thủy sản 2017

So với Luật Thủy sản 2003, Luật Thủy sản 2017 giảm 1 chương và tăng 43 điều. Về cơ bản, Luật mới giữ nguyên tên chương của Luật Thủy sản 2003, trong đó có một số thay đổi về kết cấu như bổ sung 1 chương (Kiểm ngư) nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam. Bỏ 2 chương về hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản và Khen thưởng và xử lý vi phạm. Các nội dung về hợp tác quốc tế, nội dung hợp tác về khai thác thủy sản tại nước ngoài, tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam, nhập khẩu tàu cá đã được thể hiện trong Chương Khai thác thủy sản. Quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm hiện đã được quy định và thực hiện theo Luật Thi đua khen thưởng, Luật giải quyết Khiếu nại, tố cáo, Luật Thanh tra và Luật Xử lý vi phạm hành chính nên không quy định lại ở Luật này.
Luật có các nội dung mới như: Quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Điều 10); Quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản (Điều 11 và 12); Quy định về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (Điều 21) và khuyến khích thành lập Quỹ cộng đồng (Điều 22). Về Nuôi trồng thủy sản, từ Điều 23 đến Điều 47, chương III, quy định cụ thể về việc quản lý giống thủy sản, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo hướng quản lý hệ thống, kiểm soát đầu vào từ điều kiện cơ sở và chứng nhận đủ điều kiện trước khi hoạt động. Tại Chương IV về Khai thác thủy sản, hạn ngạch cấp phép khai thác thủy sản trên biển được quy định cụ thể tại Điều 49; công tác quản lý tàu cá, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được quy định chi tiết từ Điều 62 đến Điều 85.
Luật Thủy sản 2017 cũng đã nội luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU fishing) trong đó có khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC). Các nội dung liên quan đến 9 khuyến nghị của EC được quy định rải rác trong các Điều và các chương của Luật. Một số nội dung cơ bản đã được thê hiện trong Luật Thủy sản 2017: Bổ sung các thuật ngữ nhất quán với Công ước Luật biển 1982, Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp quốc, Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO; Quy định về quản lý khai thác thủy sản theo hạn ngạch; Quy định tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra phải cập cảng có đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc từ khai thác; Quy định nghĩa vụ của tổ chức quản lý cảng cá; Quy định quản lý đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp; Quy định việc xử lý đối với hành vi sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên; Quy định việc xử lý đối với hành vi sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực. Quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm; sửa đổi mức trần phạt tiền đối với lĩnh vực thủy sản trong Luật xử lý vi phạm hành chính: mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy sản đối với cá nhân là 1.000.000.000 đồng.   
Luật Thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

Link xem và tải Luật Thủy sản 2017 tại đây.

Chia sẻ:

Tan Pham

Một lão ngư say biển cả và đam mê công nghệ nữa!

Mời bạn bình luận cho bài viết " Luật Thủy sản 2017 "